Lượt xem: 512

Nuôi cá với hệ thống “sông trong ruộng”, hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao

Từ lâu, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa phát triển mạnh ở các xã: Mỹ Phước, Mỹ Tú, Long Hưng và một số vùng đất trũng trên địa bàn huyện Mỹ Tú. Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú không thả nuôi cá theo phương pháp truyền thống mà đã xây dựng hệ thống “sông trong ruộng” với nhiều ưu điểm vượt trội.

 


Nuôi cá với hệ thống “sông trong ruộng”

 

    Lập nghiệp tại quê vợ ở ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước, anh Nguyễn Văn Hải đã tận dụng lợi thế sẵn có tại địa phương, sau nhiều năm nghiên cứu học hỏi, tháng 3 năm 2021 anh Hải đã cải tạo trên 15.000m2 đất ruộng để xây dựng mô hình “sông trong ruộng” theo công nghệ Mỹ. Theo đó, anh đã thiết kế xây dựng các bể có kích thước rộng 5m, dài 30m, lắp đặt hệ thống tự động, đảm bảo tạo dòng chảy liên tục như dòng sông, có hệ thống hút phân và chất thải ở cuối hệ thống ao nuôi, nhằm tạo môi trường tốt nhất để cá vận động và phát triển. Anh Hải chia sẻ: “Nuôi như thế này thì dễ quản lý dịch bệnh, nước bể nuôi luôn sạch, cá được “tập thể thao”, vì thế thịt cá chắc, dai và không có mùi tanh nên chất lượng cá đảm bảo hơn”.

    Sau khi xây dựng xong hệ thống, tháng 8 năm 2021 anh Hải đã tiến hành thả nuôi trên 250.000 con cá thát lát và 300 kg cá sặt rằn giống. Theo đó, hệ thống “sông trong ruộng” phải đảm bảo cung cấp oxy cho cá 24/24 giờ và dự trù máy phát dự phòng đảm bảo hệ thống thổi khí luôn hoạt động. Nước trong ruộng không cần phải thay thế, nhưng vẫn có sự tuần hoàn tốt, chỉ cần xử lý nước ngoài khu vực nuôi và sử dụng men vi sinh để quản lý chất lượng nước của ao nuôi. Bên cạnh đó, anh Hải đã đầu tư dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi tự động, công thức ăn cho cá được anh nghiên cứu cẩn thận, phù hợp tùy thuộc vào từng giai đoạn, nên cá trong bể phát triển khá tốt.

    Đồng chí Huỳnh Huy Anh - Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Tú cho biết: Mô hình “sông trong ruộng” được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, chủ hộ rất am hiểu kỹ thuật và tự chế biến thức ăn, môi trường nước ao nuôi luôn giữ sạch, cá sinh trưởng nhanh và ổn định. Tuy nhiên, để thực hiện mô hình này, đòi hỏi người nuôi phải nắm vững điều kiện khắt khe về diện tích mặt nước, am hiểu vận hành máy móc, kỹ thuật chăm sóc, nhất là kinh phí đầu tư khá lớn với mức từ 200 - 250 triệu đồng/bể nuôi, cùng với các trang thiết bị trên 1 tỷ đồng.

    Sau thời gian nuôi, anh Hải nhận thấy cá tăng trọng nhanh, tỷ lệ dịch bệnh thấp, dự kiến đến kỳ thu hoạch cá thát lát đạt khoảng 50 tấn và trên 10 tấn cá sặt rằn. Với những ưu điểm của hệ thống, anh Hải sẽ mở rộng mô hình “sông trong ruộng” trong thời gian tới.

    Với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp thả nuôi cá theo cách truyền thống, mô hình nuôi cá “sông trong ruộng” của anh Nguyễn Văn Hải đã mở ra hướng đi mới, áp dụng kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản và góp phần bảo vệ môi trường nuôi.

Đoan Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 60
  • Hôm nay: 7185
  • Trong tuần: 77,892
  • Tất cả: 11,801,212